• Đăng nhập
  • Đăng ký

Vấn đề chất lượng lao động lớn hơn cả nỗi lo thất nghiệp

14:10:3506/12/2016

Năm 2013 được xem là “năm bản lề” của kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm năm 2011 – 2015. Theo báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, đến tháng 11 năm 2013, cả nước đã giải quyết việc làm cho khoảng một triệu rưỡi lao động – một con số không hề nhỏ. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa giải được hết “bài toán thất nghiệp” của nước ta trong năm qua.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê, đến cuối năm 2013, cả nước có 53,65 triệu người trong độ tuổi lao động (từ 15 tuổi trở lên). Lực lượng lao động tăng 864,3 nghìn người so với cùng thời điểm của năm trước, đồng thời tỷ lệ thất nghiệp cũng không giảm so với năm 2012. Năm 2013, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ước tính là 2,2%. Trong đó, khu vực thành thị là 3,58%, và khu vực nông thôn là 1,58%. Thêm một điểm đáng chú ý, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên trong độ tuổi 15-24 ước tính là 6,36% (thành thị: 11,11%, nông thôn: 4,87%, cả hai khu vực đều tăng so với năm 2012)

Như vậy, có phải thất nghiệp vẫn đang là “bóng ma ám ảnh” đến không ít người? Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này, vấn nạn được giải quyết như thế nào? CareerBuilder Vietnam đã có cuộc trò chuyện cùng Phó Giáo sư – Tiến sĩ Võ Thị Quý, Giảng viên Khoa Quản trị Kinh doanh – Trường Đại học Kinh tế Tp HCM; Giám đốc Đào tạo Trường SMEI Việt Nam, xung quanh vấn đề này.

 

Báo động chất lượng lao động

Năm 2013 theo đánh giá của nhiều người thì vẫn là một năm với nhiều biến động bất thường về kinh tế. Vì thế, cơ hội việc làm và các vấn đề như thất nghiệp, bị sa thải vẫn luôn là nỗi lo canh cánh trong đầu người lao động. Với vai trò là một chuyên gia, bà có những nhận xét gì về thị trường việc làm và tình hình tuyển dụng ở nước ta một năm qua? 

PGS.TS Võ Thị Quý:

Biến động của nền kinh tế Việt Nam năm 2013 đã có những ảnh hưởng lớn đến thị trường việc làm cũng như tình hình tuyển dụng của các doanh nghiệp. Cụ thể, khi thị trường khó khăn thì doanh nghiệp mới nhận thức đầy đủ giá trị của lao động lành nghề, chuyên nghiệp. Trong khi đó nhóm lao động này lại đang khan hiếm trên thị trường lao động nước ta. Các công ty săn đầu người chỉ làm dịch chuyển người lao động lành nghề từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác, khả năng tạo nguồn mới rất hạn chế do đó làm gia tăng chi phí nhân công đối với nhóm lao động này và làm giảm tính cạnh tranh quốc tế của thị trường lao động Việt Nam.

Một điều chúng ta cần phải quan tâm, đó là lao động và đào tạo không thể tách rời nhau. Với xu hướng đào tạo quá nhấn mạnh vào kỹ năng mà bỏ qua những kiến thức nghề cơ bản như hiện nay làm gia tăng đội ngũ lao động không chuyên nghiệp dẫn đến hiện tượng dư thừa và làm giảm thu nhập của người lao động do tính cạnh tranh cao.

Tóm lại, thị trường lao động của ta đang thiếu lao động lành nghề có trình độ chuyên môn cao và dư thừa lao động thông dụng. Doanh nghiệp khó tuyển được lao động lành nghề và phải đối mặt với sự dư thừa lao động không chuyên!

Cũng theo số liệu của Tổng cục thống kê, năm 2012, tỉ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động ước tính là 1,99%. Năm 2013, tỉ lệ này gia tăng đến 2,2%. Ở góc nhìn của bà, những yếu tố nào làm cho thất nghiệp gia tăng?

PGS.TS Võ Thị Quý:

Tôi không bình luận về số liệu là đúng hay sai. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động gia tăng bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân:

Thứ nhất, biến động của chu kỳ kinh tế, kinh tế suy thoái thường dẫn đến sự sa thải nhân viên vì đó là giải pháp giảm chi phí hoạt động của doanh nghiệp. Thứ hai, sự bất cân xứng giữa đào tạo/ học nghề và nhu cầu lao động của doanh nghiệp. Nền kinh tế nào cũng tồn tại hiện tượng này nhưng ở nước ta rất trầm trọng vì thiếu cơ chế cho người lao động tự điều chỉnh và chiến lược phát triển nguồn nhân lực của doanh nghiệp chưa thật sự hiệu quả. Chúng ta thường chạy theo nhu cầu trước mắt và thiếu sự hoạch định dài hạn. Ví dụ, năm 2013 ngành Tài chính – Ngân hàng sa thải nhiều nhân viên, lương thưởng trong ngành giảm sút đáng kể. Kết quả là tuyển sinh ngành này ở các trường đại học, cao đẳng giảm đáng kể. Điều gì xảy ra sau 3-4 năm nữa nếu ngành này hồi phục?!

Một nguyên nhân không kém phần quan trọng đó là sự thay đổi trong cơ cấu dân số. Ngày 01/11/2013, dân số Việt Nam đã đạt mốc 90 triệu người và là một trong những quốc gia có mật độ dày của thế giới. Dân số tăng cao, sức ép dân số càng lớn, nảy sinh nhiều vấn đề xã hội cần quan tâm, nhất là giáo dục, y tế, môi trường, giao thông, tất nhiên liên quan đến lao động và việc làm…

Tất nhiên, khi kinh tế hồi phục thì tỷ lệ thất nghiệp sẽ giảm. Vấn đề tôi muốn đề cập ở đây không phải tỷ lệ thất nghiệp mà là chất lượng lao động. Chất lượng lao động kém thể hiện qua năng suất lao động và khả năng sáng tạo thấp so với các nước trong khu vực, là một cảnh báo nghiêm trọng về khả năng tụt hậu của nước ta trong tương lai gần, thậm chí là so với Lào và Campuchia là rất cao.

 

Ngành tiêu dùng đi lên, tài chính – ngân hàng bị thất thế

Bên cạnh những ám ảnh như nạn thất nghiệp, chất lượng lao động không đồng đều, theo đánh giá của bà thì những lĩnh vực ngành nghề nào sẽ có triển vọng tăng trưởng trong tương lai?

PGS.TS Võ Thị Quý:

Việt Nam đang trong tiến trình gia nhập vào TPP (Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương), thì khi kinh tế hồi phục và khi TPP được ký, các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp mới sẽ ra đời. Trong xu hướng đó, các ngành thuộc lĩnh vực tiêu dùng nhanh (FMCG), công nghệ thông tin, công nghiệp chế biến và phụ trợ, dệt may và nông sản xuất khẩu sẽ hưởng lợi. Những lĩnh vực như Sale – Marketing, thiết kế phần mềm và thời trang, nghề dệt may và công nghiệp chế biến và quản trị văn phòng sẽ là những ngành “hot”. Ứng viên có ngoại ngữ tốt sẽ có nhiều cơ hội lớn hơn, và lĩnh vực giáo dục đào tạo như dạy ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh cũng được hưởng lợi từ xu hướng này.

Đổi lại, những nghề làm trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng sẽ là đối tượng ít được chú ý đến. Nguyên nhân có lẽ xuất phát từ quá trình mua bán, sáp nhập và tái cấu trúc của ngành.

Phát triển cùng các ngành nghề, tuyển dụng và việc làm trực tuyến đang là một xu hướng phát triển mạnh. Theo đánh giá của bà, trong tương lai, sự phát triển của xu hướng này đi theo biểu đồ như thế nào?

PGS.TS Võ Thị Quý:

Theo tôi đây là một xu hướng không thể cưỡng lại. Với đặc điểm là dân số trẻ, tỷ lệ người sử dụng internet cao cùng với sự phát triển của các mạng xã hội thì tuyển dụng và việc làm trực tuyến trở thành cơ hội tiềm năng cho cả nhà tuyển dụng và người lao động, đặc biệt phù hợp với các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như những người lao động trẻ có tiếng Anh và quen thuộc với công nghệ thông tin. Đơn cử như nghề Sales Online và Social Media Marketing đang có nhiều nhu cầu và là một lĩnh vực “hot” trên thị trường tuyển dụng và việc làm trực tuyến hiện nay.

Xin cảm ơn những chia sẻ của bà!

 

Báo cáo thị trường nhân lực trực tuyến 2013

Tiếp theo là một số thông tin về thị trường nhân lực trực tuyến theo số liệu thực tế từ trang www.CareerBuilder.vn.

Hãy cùng theo dõi Infographic:

 

.Nguồn : CareerBuilder Vietnam

Mã xác nhận:
captcha